Địa thế Thành cổ Sơn Tây

Thời trước người ta coi trọng bốn vùng đất là phên giậu che chở cho Thăng Long và cũng là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới thường được gọi là Tứ trấn (bốn trọng trấn), gồm có: Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam. Đến thời Nguyễn, Sơn Tây vẫn được xếp là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong thì che chở, bảo vệ Bắc Thành, bên ngoài thì làm bàn đạp, làm hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở thượng lưu sông Đà, sông Hồng, sông Lô, do đó nhà Nguyễn đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc cộng với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ và hơn một nửa tỉnh Hà Tây.

Do địa thế mà từ xa xưa lúc nào Sơn Tây cũng là hậu cứ, là bàn đạp cho vùng biên giới xa xôi. Nhiệm vụ này là do chính địa thế Sơn Tây so với vùng thượng du Tây Bắc và Bắc Kỳ quy định. Sơn Tây còn là vùng dân Việt sinh sống lâu đời, đông đúc, một vùng đất cơ bản của người Việt từ khi lập nước.